Chọn MENU
NHÀ PHÂN PHỐI CÁC MẶT HÀNG THỂ THAO HÀNG ĐẦU TẠI YÊN BÁI
icon cart0

Chế độ ăn kiêng low-carb có thực sự giúp bạn giảm cân?

Thứ 3 | 11/05/2021 - Lượt xem: 428
Chế độ ăn low-carb là chế độ ăn giới hạn lượng carbohydrate và tăng tỉ lệ protein cũng như chất béo trong khẩu phần (carbohydrate có trong các thức ăn như ngũ cốc, rau và hoa quả). Low-card thường được áp dụng với mục đích giảm cân.

1. Mục đích của chế độ ăn low-carb

Chế độ ăn low-carb thường được sử dụng với mục đích chính là giảm cân. Một số chế độ ăn low-carb có thể mang lại những lợi ích sức khỏe nhất định do giảm cân, như làm giảm yếu tố nguy cơ của tiểu đường type 2 và các hội chứng chuyển hóa.

2. Tại sao lại lựa chọn thực hành chế độ ăn low-carb?

Lý do lựa chọn thực hành chế độ ăn low-carb có khá nhiều, có thể là:

  • Muốn thực hành một chế độ ăn giới hạn lượng carbohydrate hấp thu vào cơ thể nhằm giảm cân.
  • Muốn thay đổi thói quen ăn uống vốn có.
  • Yêu thích các thức ăn có trong chế độ ăn low-carb về chủng loại và số lượng.

Hãy tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi thực hành bất kỳ chế độ ăn giảm cân nào, đặc biệt là khi cơ thể có sẵn các vấn đề sức khỏe, như đái tháo đường hay bệnh lý tim mạch.

3. Thông tin chi tiết về chế độ ăn low-carb

Chế độ ăn low carb
Chế độ ăn low-carb giới hạn chủng loại và số lượng carbohydrate ăn vào

Như tên gọi của nó, chế độ ăn low-carb giới hạn chủng loại và số lượng carbohydrate ăn vào. Carbohydrate là một yếu tố dinh dưỡng đa lượng cung cấp năng lượng cho cơ thể, có mặt trong rất nhiều loại thức ăn và đồ uống.

Carbohydrate có thể thuộc dạng đơn giản hoặc phức tạp. Phân loại sâu hơn, carbohydrate gồm các dạng sau: tinh chế đơn giản (đường cát), tự nhiên đơn giản (lactose trong sữa và fructose trong hoa quả), tinh chế phức tạp (bột mì trắng), tự nhiên phức tạp (ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu).

Các nguồn cung cấp carbohydrate tự nhiên thường gặp gồm có:

  • Ngũ cốc
  • Các loại hoa quả
  • Các loại rau
  • Sữa
  • Các loại hạt
  • Các loại mầm
  • Các cây thuộc họ đậu (đậu thường, đậu lăng, đậu Hà Lan)

Các nhà sản xuất thực phẩm cũng thêm carbohydrate tinh chế dưới dạng đường hay bột mì trắng vào thức ăn chế biến. Ví dụ về thức ăn có chứa carbohydrate tinh chế là bánh mì trắng, mì, bánh quy, kẹo, soda có đường và các loại đồ uống khác.

Cơ thể con người sử dụng carbohydrate làm nguồn cung cấp năng lượng chính. Carbohydrate phức tạp (tinh bột) trong quá trình tiêu hóa bị bẻ gãy thành đường đơn. Sau đó chúng được hấp thụ vào máu, và được biết đến dưới cái tên đường huyết - glucose. Thông thường, carbohydrate loại tự nhiên phức tạp có tốc độ tiêu hóa chậm hơn và ít tác động hơn lên đường huyết. Bên cạnh cung cấp năng lượng, carbohydrate loại tự nhiên phức tạp cũng giúp ích cho cơ và các chức năng khác của cơ thể.

Tăng nồng độ đường huyết kích thích cơ thể giải phóng insulin. Insulin là nội tiết tố giúp glucose có thể đi vào trong tế bào. Glucose được cơ thể sử dụng để sinh năng lượng phục vụ cho mọi hoạt động của con người. Phần glucose dư thừa thường được dự trữ ở gan, cơ và một số tế bào khác nhằm mục đích sử dụng sau này hoặc chuyển hóa thành chất béo.

Ý tưởng của chế độ ăn low-carb là làm giảm lượng carb sẽ làm giảm lượng insulin tiết ra, khiến cơ thể phải đốt cháy lượng chất béo dự trữ để lấy năng lượng, và cuối cùng sẽ đạt được mục đích giảm cân.

4. Các thức ăn tiêu biểu trong chế độ ăn low-carb

Chế độ ăn low carb
Chế độ ăn low-carb cũng thường loại bỏ hoặc hạn chế đa số các loại ngũ cốc, các thức ăn họ đậu, hoa quả, bánh mì, mì, đồ ngọt, các loại rau chứa tinh bột, và đôi khi cả các loại mầm và hạt

Thông thường, chế độ ăn low-carb tập trung vào các nguồn cung cấp protein, như thịt, gia cầm, cá, trứng, và một số loại rau không chứa tinh bột. Chế độ ăn low-carb cũng thường loại bỏ hoặc hạn chế đa số các loại ngũ cốc, các thức ăn họ đậu, hoa quả, bánh mì, mì, đồ ngọt, các loại rau chứa tinh bột, và đôi khi cả các loại mầm và hạt. Một số chế độ ăn low-carb cho phép ăn một lượng nhỏ một số hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên hạt nhất định.

Giới hạn tiêu biểu của lượng carbohydrate hàng ngày là 20 - 60 g, và lượng carbohydrate này cung cấp 80 - 240 calo. Một số chế độ ăn low-carb giới hạn nghiêm ngặt lượng carb trong giai đoạn khởi đầu, sau đó cho phép tăng dần lượng carb ăn vào.

Tuy nhiên, đối chiếu với Hướng dẫn chế độ ăn cho người Mỹ, có thể thấy khuyến cáo lượng carbohydrate nên chiếm 45 - 65% tổng lượng calo hàng ngày. Giả dụ mỗi ngày cần 2000 calo, thì 900 - 1300 calo nên do carbohydrate cung cấp.

5. Kết quả của chế độ ăn low-carb

Giảm cân

Đa số mọi người có thể giảm cân nếu giới hạn số lượng calo hấp thu và tăng mức độ của các hoạt động thể chất. Để giảm 0,5 - 0,7 kg một tuần, lượng calo hàng ngày cần giảm 500 - 750.

Chế độ ăn low-carb có thể đạt được mục đích giảm cân ngắn hạn hiệu quả hơn so với chế độ ăn ít chất béo. Tuy nhiên đa số các nghiên cứu cho kết quả rằng ở các thời điểm 12 và 24 tháng, lợi ích từ chế độ ăn low-carb là không lớn lắm.

Cắt giảm calo và carb có thể không phải là lý do duy nhất khiến cân nặng giảm. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng protein và chất béo khiến cơ thể cảm thấy no lâu hơn, từ đó ăn ít đi, và cũng dẫn tới cân nặng giảm.

Các lợi ích sức khỏe khác

Chế độ ăn low-carb có thể giúp phòng tránh hoặc cải thiện các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh lí tim mạch. Trên thực tế, hầu hết các chế độ ăn mà làm giảm được cân nặng đều có ích trong việc làm giảm nguy cơ của bệnh tim mạch và đái tháo đường, cải thiện nồng độ cholesterol máu, đường máu, dù có thể chỉ là tạm thời.

Chế độ ăn low-carb có thể giúp làm tăng nồng độ HDL và triglyceride so với chế độ ăn carb ở mức trung bình. Nguyên nhân có thể không chỉ là số lượng carb ăn vào là bao nhiêu, mà còn là chất lượng của những thức ăn được chọn lựa. Protein tốt (từ cá, gia cầm, cây họ đậu), chất béo có lợi (chất béo không bão hòa đơn và đa), và carb chưa tinh chế (từ ngũ cốc nguyên hạt, cây họ đậu, rau, hoa quả, và chế phẩm sữa ít béo) là những lựa chọn tốt cho sức khỏe.

6. Nguy cơ của chế độ ăn low-carb

Chế độ ăn low carb
Nếu cắt giảm carb một cách đột ngột và quá nhanh, một số tác động tạm thời có thể xảy ra như đau đầu, khó thở

Nếu cắt giảm carb một cách đột ngột và quá nhanh, một số tác động tạm thời có thể xảy ra, bao gồm: Đau đầu; Khó thở; Yếu cơ; Đau cơ; Mệt mỏi; Mẩn đỏ; Táo bón hoặc tiêu chảy.

Thêm vào đó, một số chế độ ăn low-carb giới hạn quá nghiêm ngặt lượng carbohydrate ăn vào khiến về lâu dài cơ thể bị thiếu vitamin và khoáng chất, loãng xương, rối loạn tiêu hóa, và có thể làm tăng nguy cơ của nhiều bệnh mạn tính.

Chế độ ăn low-carb cũng không cân bằng về mặt dinh dưỡng nên không khuyến cáo áp dụng cho trẻ em, bởi trẻ em cần đủ nguồn dưỡng chất để phát triển.

Các nghiên cứu hiện nay chưa đủ để kết luận về lâu dài chế độ ăn low-carb có thể gây ra các mối nguy cơ như thế nào. Trước khi tiến hành thực hiện bất kỳ chế độ ăn nào, hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ để có chế độ phù hợp cho từng trường hợp.

Đang tải bình luận,....
Để lại lời nhắn cho chúng tôi Zalo
Nhắn tin cho chúng tôi qua Facebook